logo
 
  Home
Gia đình  »  Giã Từ Đời Zai  » 

8 Điều Cha Mẹ Làm Tổn Thương Con Cái Sâu Sắc

Thứ Sáu, 16/03/2018 | 15:24 GMT+7.
 
Con trẻ chính là kho báu của cha mẹ. Cha mẹ luôn mong con mình được lớn lên trong hạnh phúc. Thế nhưng ít vị cha mẹ hiểu được, hành động của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đối với tâm lý của trẻ nhỏ.

Lắng nghe 8 điều sau đây để nuôi dạy con mình thành một đứa trẻ tốt:

1.Cha mẹ cãi nhau


Cha mẹ thường nghĩ rằng, con mình còn nhỏ và nó sẽ "không biết gì cả”. Trên thực tế, mọi hành động của cha mẹ đều được con trẻ chứng kiến và ghi nhớ. Một số gia đình cha mẹ thường xuyên cãi nhau, thậm chí là đánh nhau, điều này có ảnh hưởng rất lớn đối với tâm lý con trẻ. Nếu phải chứng kiến cảnh cha mẹ xung đột với nhau trong thời gian dài, trẻ nhỏ dễ bị áp lực cuộc sống, trở nên lạnh lùng, ít nói, bướng bỉnh, thô lỗ và cảm thấy vô cùng cô đơn.

2. Cha mẹ tức giận

Sau một ngày làm việc mệt mỏi, cha mẹ trở về nhà và chứng kiến cảnh con mình đang nghịch, mọi thứ thật bừa bãi và bẩn thỉu, thật khó để kiềm chế bực bội trước cảnh tượng này. Sự tức giận và những lời quát mắng sẽ khiến cho đứa trẻ sợ hãi. Trẻ nhỏ rất nhạy cảm, vì vậy điều này chắc chắn sẽ có tác động xấu tới cảm xúc và hành vi của trẻ nhỏ.



Trong cuộc sống, tốt nhất là hãy kiềm chế cơn tức giận, sau khi bình tĩnh lại, cha mẹ có thể giải thích cho con cái rằng hành động của con là không tốt, nó khiến bố mẹ không vừa lòng, khiến bố mẹ buồn. Trẻ tự khắc sẽ hiểu được nguyên nhân vì sao bố mẹ tức giận và hành động của mình là không tốt, không nên lặp lại. Trẻ cần được tôn trọng, thông qua việc nhẹ nhàng giải thích, trẻ còn cảm nhận được tình thương và sự chăm sóc, che chở của cha mẹ.

3. Yêu thương cũng cần phải công bằng

Nếu 2 đứa trẻ cùng một cha, một mẹ sinh ra thì không có cớ gì để bạn đối xử tốt với đứa này hơn đứa kia. Chúng cần được đối xử công bằng. Nếu tình thương dành cho 2 đứa nhỏ không được như nhau, sẽ khiến cho một đứa cảm thấy thiệt thòi mà xa dần gia đình, tình cảm cũng bị ảnh hưởng. Nếu một đứa luôn được thiên vị dần dần sẽ trở nên cao ngạo, tính tình ngang ngược, ương bướng, muốn mọi người phải phục tùng theo ý mình. Đứa còn lại thì sẽ có phần căm giận cha mẹ, ngay cả khi lớn lên thì ý nghĩ này cũng sẽ vẫn còn.


4. Cha mẹ không trung thực

Cha mẹ thường cho rằng trẻ nhỏ dễ quên nên thường nói dối để dỗ dành chúng. Khi lời nói không thành hiện thực thì vô hình đã khiến cho uy tín của cha mẹ trong mắt trẻ nhỏ bị mất đi. Điều này cũng sẽ hình thành ở trẻ nhỏ những tính cách xấu như không trung thực, thường hay dối gian.

Đừng dễ dàng hứa hẹn, hãy để trẻ hiểu rằng khi muốn một điều gì đó thì trẻ phải hoàn thành một việc gì đó, để trẻ có một sự nghiêm túc trong suy nghĩ và nếu trẻ làm được, trẻ sẽ được vinh danh và nhận phần thưởng xứng đáng.

5. Không kiên nhẫn trả lời các câu hỏi của trẻ

Trẻ em vốn rất tò mò, đơn giản là vì chúng muốn tìm hiểu về mọi thứ xung quanh mình, muốn tìm hiểu về cuộc sống này. Thế nhưng cha mẹ lại không nghĩ tới việc mình là "người thầy” đầu tiên của chúng.


Một số vị cha mẹ thường tỏ ra mệt mỏi vì phải trả lời hàng loạt câu hỏi từ con trẻ, đôi khi họ thờ ơ và nếu có thì trả lời qua loa. Dần dần trẻ sẽ nhận ra thái độ của cha mẹ và mất dần đi sự nhiệt tình, sự tò mò khát khao về tri thức.

Trẻ luôn tin rằng bạn là "Giáo sư Biết Tuốt” và vì quá bận rộn mà bạn lại cho trẻ một câu trả lời sai thì tới khi biết được đáp án đúng, trẻ sẽ vô cùng thất vọng về cha mẹ của chúng. Khi chưa chắc chắn về câu trả lời của mình, ban có thể xin trẻ "một cái hẹn”, bạn sẽ tìm hiểu về vấn đề này và sẽ trả lời vào một dịp khác, nhưng nhớ đừng hứa suông đấy nhé.

6. Không chào đón bạn bè của trẻ

Trẻ lớn dần, có thêm những người bạn, tất nhiên là cha mẹ nào cũng muốn con "chọn bạn mà chơi”, muốn con mình có những người bạn thực sự. Vấn đề là trẻ trong giai đoạn phát triển tâm sinh lý, chúng cần bạn bè để sẻ chia tâm sự, có những điều mà cha mẹ không thể hiểu được con cái do "mỗi thời mỗi khác”. Nếu bạn tỏ ra khó chịu với bạn bè của trẻ, thì dần dần trẻ sẽ có ác cảm với bạn, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng lớn dần lên.



Bạn nên tôn trọng sở thích và bạn bè của con trẻ, qua thời gian, bạn cần nhẹ nhàng giải thích cho trẻ đâu là bạn tốt nên chơi, đâu là bạn xấu cần tránh.

7. Bỏ qua những ưu điểm của trẻ

Điều này bắt nguồn từ thái độ kỳ vọng của cha mẹ đối với con cái. Trong mắt cha mẹ thì "con nhà người ta” sao mà giỏi, mà ngoan… còn con nhà mình thì không được như vậy. Ai cũng có ưu điểm và nhược điểm riêng, chẳng ai được hoàn hảo cả. Cha mẹ không hoàn hảo vậy tại sao lại đòi hỏi ở con trẻ sự hoàn hảo?

Mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh và lợi thế của mình, đánh giá của một đứa trẻ tốt hay xấu, không thể chỉ phụ thuộc vào một khía cạnh. Đừng chỉ nhìn vào nhược điểm của chúng mà bỏ qua những ưu điểm. Hãy dành cho trẻ những lời khen tặng để chúng phát huy những ưu điểm đó, nếu không dần dần chúng sẽ trở nên nhút nhát và tự ti, mất tự tin vào bản thân mình.


8. Nói xấu con trước mặt người khác

Trong các cuộc gặp gỡ giữa các vị phụ huynh thì vấn đề con cái luôn được đem ra để bàn tán. Những lời nói xấu con mình trước mặt người khác quả thật không hay ho. Nếu con bạn nghe thấy được những gì bố mẹ nói về chúng thì chúng sẽ rất thất vọng, tự ti về bản thân, tình cảm giảm sút và khoảng cách giữa cha mẹ với con cái ngày càng xa hơn.

Từ một đứa trẻ không khó để đoán ra cha mẹ chúng là người như thế nào. Nếu muốn con mình là một đứa trẻ tốt thì trước hết bạn hãy là một người mẹ, một người cha, một người bạn thực sự tốt.

Nguồn: Món quà cs

Tin tiếp theo

Chuyên mục