"Hôm trước hắn gọi điện về bảo nếu có tiền thưởng, con gửi về cho bố mẹ trả nợ... Nó bảo bố mẹ vất vả nhiều rồi, giờ nó sẽ cố gắng để có thể lo cho vợ chồng tôi, không muốn tôi phải theo cái máy cày nữa", ông Phạm Xuân Linh, bố cầu thủ Phạm Xuân Mạnh chia sẻ.
Với người quê lúa huyện Yên Thành, Xuân Mạnh và Văn Đức là niềm tự hào của quê hương.
Quả bóng bưởi lăn trên luống cày
Mấy hôm nay, ông Phạm Xuân Linh, bố cầu thủ Phạm Xuân Mạnh như đang ngồi trên đống lửa. Tối hôm trước, vợ ông bắt xe ra Hà Nội để đón con trai và các đồng đội tuyển U23 trở về. Do còn vướng một số công việc nên Mạnh chưa thể về quê ngay.
Nhà có 3 chị em. 2 chị gái của Mạnh lấy chồng sớm. Gánh nặng kinh tế dồn lên vai người con trai độc nhất. 5 tuổi, Mạnh đã theo bố đi cày thuê kiếm tiền.
"Hồi đó cực lắm, vay mượn mãi mới được 20 triệu mua máy cày. Nó còn nhỏ nhưng không có ai phụ, tôi phải đưa Mạnh theo cùng. Bố lái máy cày, nó khệ nệ ôm bao phụ tùng hay can xăng ra đồng. Trưa lại chạy về lấy cơm ra cho bố", ông Linh không giấu được niềm tự hào về cậu con trai.
Bố mẹ Phạm Xuân Mạnh: Quả bóng bưởi lăn trên luống cày.
Tuổi thơ vất vả, phải phụ bố mẹ việc nhà, việc đồng nhưng Mạnh sớm bộc lộ năng khiếu và niềm đam mê bóng đá. "Trưa hè, nó không ngủ, cứ trốn bố mẹ đi đá bóng. Không có bóng, nó hái quả bưởi, nướng qua cho dẻo, mềm rồi mê mải đá, kệ bụi tung lên, bám vào mặt lem luốc hết cả. Cứ thấy bóng là nó quên cả ăn. Nhìn con mê đá bóng mà bố mẹ nghèo, không mua nổi cho con quả bóng...", ông nghẹn lại.
Năng khiếu của Mạnh sớm được nhìn nhận khi cùng đội thiếu nhi huyện Yên Thành tranh tài ở một cuộc thi cấp tỉnh. "Ngày huyện gọi Mạnh đi thi tuyển, hai mẹ con đùm cơm đưa nhau đi. Hồi đó tiền không có, vào đến Vinh hai mẹ con vỏn vẹn còn hơn 10 ngàn đồng. Mẹ nó phải mua cho con cái bánh mì lót dạ. Con nhường mẹ, mẹ nhường con, nhớ lại cái cảnh ấy tôi không nghĩ Mạnh đi được đến bây giờ", ông Linh nhớ lại.
Mạnh lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển quân Sông Lam Nghệ An. Ở đây, dưới sự chỉ bảo của các thầy, Mạnh tiến bộ rõ rệt theo từng ngày. Thu nhập của Mạnh không cao, chưa thể đỡ đần cho bố mẹ nhưng em đã thỏa chí phát huy năng khiếu và đam mê trong môi trường luyện tập chuyên nghiệp.
Chỉ mong bố mẹ không còn phải theo máy cày
Người dân Yên Thành đang bước vào vụ cấy, nhu cầu thuê máy làm đất rất cao. Bởi vậy, ông đành nén niềm vui ra Hà Nội đón con mà vẫn tiếp tục công việc thường nhật của mình.
Người cha quên cả mệt nhọc, cả giá lạnh bởi niềm vui vô bờ bến mà đứa con trai yêu quý của ông và các đồng đội mang về. Đó không phải là niềm vui, niềm hạnh phúc của riêng ông mà niềm hạnh phúc của nhân dân cả nước. Người làm cha như ông làm sao không tự hào về con mình!
Với những người bạn: Xuân mạnh là đứa trẻ "chân đất" đem vinh quang về cho tổ quốc từ trái bóng bưởi.
"Mạnh còn trẻ nhưng biết nghĩ cho bố mẹ lắm. Hôm trước hắn gọi điện về bảo nếu có tiền thưởng, con gửi về cho bố mẹ trả nợ. Năm ngoái, căn nhà dột nát quá, tôi phải vay mượn để làm. Nó bảo bố mẹ vất vả nhiều rồi, giờ nó sẽ cố gắng để có thể lo cho vợ chồng tôi, không muốn tôi phải theo cái máy cày nữa. Càng nghĩ, càng thấy thương con", ông Linh kể tiếp.
Giọt nước mắt của người mẹ khi đón con trai tại sân bay
Ngày mai, Phạm Xuân Mạnh và các đồng đội sẽ về đến Nghệ An. UBND tỉnh sẽ tổ chức đón tiếp, vinh danh các cầu thủ quê hương Nghệ An trong đội hình dự Vòng chung kết U23 Châu Á. Nhất định ông Linh sẽ xuống thành phố, chung niềm vui lớn lao này cùng con.
Đứa trẻ lầm lũi ngày nào lớn lên sau những luống cày cùng quả bóng bưởi. Chỉ ngày mai thôi vòng tay quê hương dang rộng để đón chào em về.
Xuân Mạnh - đứa trẻ "chân đất”, quê hương luôn tự hào về em.
Theo Dân Trí.