Chẳng biết từ bao giờ chiếc đèn lồng đã xuất hiện rất nhiều như vật trang trí vừa bình dân vừa thân thiết trong cuộc sống của người Việt Nam, nhất là vào dịp lễ Tết. Từ người già đến em nhỏ, tất cả đều như vui mừng rộn rã hơn khi khắp phố phường đó đây giăng mắc muôn vẻ muôn màu lấp lánh.
1. Phố thủ công Hàng Mã
Đã vang bóng một thời bởi là con phố tọa lạc chính giữa thủ đô văn hiến, có truyền thống lâu đời làm đồ thủ công; chẳng xa lạ gì cảnh nhộn nhịp trên con phố Hàng Mã những ngày cận Tết. Tuy những nhà làm nghề không còn hoạt động nữa, nhưng việc buôn bán ngành hàng thủ công, đặc biệt là đèn lồng vấn diễn ra nhộn nhịp. Đến hẹn lại lên, cứ đến dịp Tết đến xuân về phố Hàng Mã lại rực rỡ sắc đỏ của đèn lồng, phong bao lì xì và những đồ trang trí phục vụ dịp Tết.
Người dân các vùng lân cận lên Hàng Mã từ những ngày ông Công ông Táo để sắm cho gi gia đình những chiếc đèn đỏ may mắn. Con phố nhỏ ngày thường vốn đã đông đúc lại càng náo nhiệt hơn. Hàng Mã không chỉ là con phố mua sắm, nơi đây còn là một địa điểm để tham quan, chụp ảnh thú vị cho người trong và ngoài nước. Những ngày giáp tết âm lịch nhiều người lại chọn phố hàng Mã để đi dạo, ngắm cảnh, chụp ảnh.
2. Phố Hội sông Hoài
Nhắc đến Hội An – một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, một vùng ven biển tỉnh Quảng Nam người ta sẽ nghĩ ngay đến những kiến trúc truyền thống phân bố theo những trục phố nhỏ hẹp, hình ảnh một khu phố cổ với những hội quán, miếu, chùa mang dấu tích của người Nhật Bản và Trung Hoa nằm bên những ngôi nhà phố truyền thống của người Việt và những ngôi nhà hai tầng mang kiến trúc Pháp.
Hội An cũng là vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống rất đáng tự hào, trong đó, làm nên dấu ấn độc đáo của khu đô thị cổ chính là nghề làm đèn lồng đã có hơn 400 năm tuổi. Vào khoảng thế kỷ 16, trong cuộc lánh nạn nhà Minh lật đổ nhà Thanh, những người Minh Hương đã được chúa Nguyễn cho định cư tại cảng thị Hội An. Những người lưu dân đến từ Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông… này đã treo những chiếc đèn lồng trước cửa cho thỏa lòng hoài vọng cố hương.
Những chiếc đèn lồng tre mộc mạc và bình dị được làm nên bởi hai nguyên liệu chính là tre và vải bọc nhưng mấy ai thấy hết được sự kỳ công từ quá trình chuẩn bị nguyên liệu cho đến quy trình sản suất đèn lồng. Tre làm đèn lồng phải là loại tre già còn tươi, để đảm bảo độ bền và tránh mối mọt người thợ phải nấu tre rồi ngâm 10 ngày trong nước muối, tiếp đến phơi khô, vót thành từng nan mỏng tùy theo mỗi loại đèn. Vải bọc phải là vải xoa hoặc lụa tơ tằm, tùy theo màu sắc của vải mà đèn sẽ mang những ánh sáng khác nhau. Những nan tre sẽ được gắn vào hai vòng gỗ để định hình khung và được kết nối bởi những sợi dây dù. Vải được cắt trước thành mảnh theo kích thước của đèn và được dán lên những nan khung đã được bôi keo, sau đó được cắt tỉa những phần dư thừa. Cuối cùng, chiếc đèn lồng Hội An được vẽ trang trí và gắn chuôi đèn.
Lồng đèn phố Hội được đánh giá là mang những giá trị tạo hình, thẩm mỹ và văn hóa thuần Việt gồm có 9 kiểu dáng gồm các loại đèn hình tròn, bát giác, lục giác, hình trái bí, củ tỏi, hình thùng, hình quả đu đủ, hình bánh ú, hình dù… Chưa kể còn có những chiếc đèn lồng kéo quân, hình hoa sen, hình rồng với đủ màu sắc.
Đêm, thong dong con thuyền trên sông Hoài tĩnh lặng, ngắm phố từ xa với dãy đèn muôn kiểu dáng đua nhau khoe sắc, thấy bình yên và thanh cảnh biết bao.
3. Làng nghề truyền thống Phú Bình
Xóm Phú Bình, P.5, Q.11, TP.HCM từ lâu đã nức tiếng gần xa với nghề làm lồng đèn ngày Trùng thu, ngày Lễ Tết. Những dịp xuân sang, dọc con đường vào giáo xứ Phú Bình, nơi đâu cũng giăng đầy những chiếc đèn thành phẩm đẹp mắt và rực rỡ.
Ngay từ những ngày tháng trong năm, người làng đã bắt đầu bắt tay vào làm lồng đèn Tết nguyên đán. Việc chuẩn bị nguyên vật liệu phải hoàn tất ngay cách đó 4, 5 tháng và các khâu lên khuôn, dán giấy bóng kính cũng phải hoàn thiện trước 30 ngày để còn kịp tung ra thị trường đúng dịp Xuân về. Những chiếc đèn lồng mang đậm phong cách dân gian như: ông sao, cá chép, bươm bướm... sẽ từ đây tỏa đi khắp mọi nơi, chắp cánh cho niềm vui của các em nhỏ. Đèn lồng Phú Bình có "thương hiệu”, không những đẹp, mang những nét đặc trưng văn hóa truyền thống mà hầu như cái "hồn” của người nghệ nhân cũng được gửi vào trong từng sản phẩm. Trải qua hàng chục năm trời, chiếc lồng đèn đã mang lại cho người dân xóm đạo Phú Bình cuộc sống tương đối ổn định trên đất Sài Gòn.
Nhớ lại thời hoàng kim nhất của làng nghề đèn lồng Phú Bình, là khoảng 10 năm trở về trước, khi mức sống người dân bắt đầu khá lên một cách đồng đều và chưa có sự "xâm thực" mạnh mẽ của hàng ngoại quốc: những ngày sau nguyên đán, nơi đây thật chộn rộn bởi "người người làm đèn, nhà nhà làm đèn” tạo nên không khí như đi... trẩy hội. Hầu hết những nhà làm lồng đèn trong xóm là đồng hương của nhau, quê ở Nam Định di cư từ những năm 50 của thế kỷ trước và lấy đó làm nghề mưu sinh nơi đất khách.
Cũng từ sự nổi tiếng, nhiều du khách khi đi qua làng nghề ráng tạt vào thăm, mua vài chiếc đèn lồng về làm quà.
Ngoài những cái tên kể trên, khắp Việt Nam, nhất là ở các làng quê vẫn còn rất nhiều nơi râm ran niềm vui xuân mới bên những chiếc đèn lồng giản dị. Phố và làng đèn lồng luôn là nơi thu hút sự chú ý và thích thú của khách du lịch thập phương, đem lại nét đẹp ấm cũng hiền hòa cho đô thị. Nhưng đã có thời điểm, truyền thông và dư luận nhiều lần phải kêu lên về đèn lồng Trung Quốc xuất hiện nhan nhản ở các lễ hội hay liên hoan văn hóa ở một số địa phương. Đèn lồng Việt không còn được chuộng và cứ teo tóp dần. Ngày những con phố lung linh thưa vằng dần, có lẽ du lịch đã mất đi một tiềm năng to lớn và giá trị lắm.
Nguồn: Dulichvietnam