Ba Giai và Tú Xuất là cặp bài trùng trong lịch sử Việt Nam. Hai nhà nho bất đắc chí suốt năm đi khuấy động dân làng cho hả nỗi bất bình, trước những thói xấu của xã hội đương thời.
Tết đến, Ba Giai túng tiền quá nên ra chợ dạo quanh, vừa gặp vợ chồng Nhiêu Vẽo đang mặc cả mua vại muối dưa. Mua xong, bác Nhiêu bỏ năm quan tiền vào vại, úp sấp lại, rồi bảo vợ ngồi lên trên để tránh kẻ nào lấy mất.
Đợi Nhiêu trai đi khuất, Ba Giai liền lượn qua, lượn lại trước mặt bác Nhiêu gái, giả vờ đánh rơi mấy đồng tiền. Bác Nhiêu gái thấy có người đi qua đánh rơi tiền, mừng quá, đứng dậy chạy đến nhặt. Thấy người ấy càng đi càng đánh rơi, bác Nhiêu gái mải mê theo nhặt, cố len cả vào chỗ đông người để kiếm xem còn đồng nào nhặt sót không.
Trong lúc đó, Ba Giai lẻn lại, lặng lẽ lấy năm quan tiền úp trong vại rồi đi quanh ra hàng gà xem có con nào tốt để mua. Đúng lúc đó, ông gặp bác Nhiêu trai tay mang một lồng gà đi về phía ao đằng sau chợ. Bác đặt lồng gà xuống vệ đường, đi xuống ao rửa chân.
Ba Giai đến khoác ngay lồng gà ấy lên vai, rồi cũng xuống cầu ao rửa chân với bác Nhiêu. Vừa rửa Ba Giai vừa bâng quơ: "Gớm, trời mưa lầy lội quá, nhất là hàng gà thật dơ bẩn. Chợ Tết kẻ cắp như rươi, tôi phải đeo luôn lồng gà lên vai thế này, chúng nó mới không dám làm gì đấy”.
Nghe Ba Giai nhắc đến kẻ cắp, Bác Nhiêu chột dạ, vội vàng quay lên bờ, thấy lồng gà biến mất nên hô hoán lên.
Ba Giai hỏi: "Ô hay, thế lồng gà ấy của bác đấy à? Có phải ở trong có đôi gà không? Nếu đúng, tôi vừa thấy một thằng ở đây ra xách đi. Nó đi về phía Đông. Cái thằng mặc quần áo nâu, nó rẽ vào xóm kia rồi”.
Bác Nhiêu trai luống cuống, vừa chạy theo hướng Ba Giai chỉ, vừa kêu rối rít.