Chỉ trong vòng 10 năm, hãng loa Revel đã đạt được những thành công đáng ghi nhận, ngoài việc dựa vào nguồn lực và đội ngũ kỹ thuật hùng hậu của tập đoàn Harman, còn phải kể đến những nỗ lực nội tại của nhóm kỹ sư thiết kế, trong quá trình kiếm tìm những chuẩn mực.
Revel, một cái tên còn khá mới đối với dân chơi âm thanh Việt Nam, nhưng thực ra lại hoàn toàn không xa lạ đối với các audiophile thế giới. Một số sản phẩm của hãng loa hi-end này đã bắt đầu có mặt tại thị trường trong nước.
Khởi nghiệp đầy tham vọng
Sản xuất thùng loa. Ảnh: Revel.
Như đã giới thiệu, tập đoàn Harman là một thế lực gần như bao trùm trong giới sản xuất các thiết bị nghe nhìn và giải trí. Lần lượt "thôn tính" và nắm trong tay nhiều thương hiệu lừng danh như JBL, Mark Levinson, Lexicon, Infinity, Harman Kardon, Soundcraft. AKG, Studer, Crown... "Đế chế" Harman "phủ rộng" trong mọi lĩnh vực, từ sản xuất các thiết bị hi-end đến các thiết bị nghe nhìn bình dân, thiết bị dành cho xe hơi và các thiết bị nghe nhìn di động. Trong lĩnh vực sản xuất loa, tập đoàn Harman International cũng chiếm thị phần lớn nhất, chủ yếu với các sản phẩm của JBL, Infinity và Harman Kardon. Thế nhưng, ông chủ của tập đoàn - tiến sỹ Harman - vẫn chưa thoả mãn. Ông cho rằng chưa một thương hiệu nào trong số đó có thể xếp vào đẳng cấp hi-end. Tập đoàn Harman cần phải có một thương hiệu hi-end thực thụ trong lĩnh vực sản xuất loa, giống như thương hiệu Mark Levinson trong lĩnh vực sản xuất tăng âm. Và Revel được khai sinh vào năm 1996 để thực hiện tham vọng đó. Trong buổi lễ ra mắt Revel, tiến sỹ Harman tuyên bố mục tiêu của công ty là "sản xuất các sản phẩm loa tốt nhất thế giới". Kể từ đó đến nay, các nhà quản lý và các kỹ sư thiết kế Revel luôn cố gắng để đạt được mục tiêu đầy tham vọng này. Họ được ông chủ của hãng chỉ thị không giới hạn phạm vi nghiên cứu, từ loa điện động đến loa mành tĩnh điện, loa planar, loa active (chủ động)... Tuy nhiên cho tới nay, Revel vẫn tập trung chủ yếu vào việc phát triển các kiểu dáng loa điện động truyền thống.
Tới năm 2002, Revel được nhập chung với Lexicon và Mark Levinson để trở thành Harman Specialty Group (HSG), một nhánh của Harman International, chuyên về sản xuất các thiết bị âm thanh cao cấp.
Việc hình thành những tập đoàn lớn đã tạo ra lợi thế không thể phủ nhận: tập trung được nguồn lực, công nghệ và chất xám để rút ngắn quá trình phát triển của các công ty thành viên. Trong "đế chế" Harman, luôn tồn tại một nguyên tắc, đó là chia sẻ kết quả nghiên cứu giữa các công ty thành viên. Chẳng hạn, những kết quả R&D về âm học, về kiểm soát âm thanh ở tần số thấp... được coi là tài sản chung của HSG. Các kỹ sư, chuyên gia thiết kế hàng đầu của HSG có trách nhiệm phát triển chung cho cả ba thương hiệu. Sự gắn kết đó đã tạo điều kiện cho một công ty sinh sau đẻ muộn như Revel nhanh chóng nhập cuộc để gặt hái những thành công đáng ghi nhận.
Qui trình sản xuất loa Revel
Về quan điểm sản xuất, hãng Revel hướng tới việc tạo ra các sản phẩm có dải động tốt, độ phân giải cao, ít méo, cân bằng giữa các dải tần số và đặc biệt là đảm bảo sự chính xác của âm sắc. Revel không chạy theo xu hướng giảm giá thành để cạnh tranh trên thị trường. Song song với việc cố gắng tạo ra các sản phẩm có chất lượng, hãng duy trì giá bán khá cao, nhắm tới phân đoạn thị trường của những người sành chơi, những nhà thẩm âm khó tính.
Gia công các chi tiết của loa. Ảnh: Revel.
Cũng giống như đa số các hãng sản xuất loa trên thị trường, Revel cũng đặt hàng gia công các chi tiết của loa như nam châm, cuộn dây, màng loa, nhện loa... Nhưng thiết kế của những chi tiết này là do các kỹ sư của Revel trực tiếp tính toán và vẽ bằng CAD. Sau khi các chi tiết của loa được lắp đặt hoàn chỉnh, một công cụ kiểm định phát ra các tia lazer có độ phân giải cao bắt đầu thực thi nhiệm vụ để đảm bảo quá trình lắp ráp hoàn hảo và không mắc phải bất kỳ lỗi nhỏ nào. Người ta cũng dùng tia lazer để phân tích sự chuyển động của màng loa trong quá trình vận hành theo phương pháp phân tích điểm. Quá trình này đã loại bỏ những màng loa có vấn đề. Theo như tiêu chuẩn kiểm định của hãng, màng loa phải dao động tuyến tính, giống như cái piston vào, ra, chứ không được phép sai lệch, có thể gây nên méo tiếng và tác động xấu tới chất lượng âm thanh. Hình dưới đây là so sánh giữa màng loa của Revel và màng loa Kevla, qua phân tích bằng lazer.
Hình so sánh màng loa Kevla (trái) và Revel (phải). Ảnh: Revel.
Bộ phân tần cũng là một thành phần được chú trọng đặc biệt trong quá trình thiết kế. Hãng Revel luôn dùng bộ phân tần bậc cao trong các sản phẩm loa của mình, với các linh kiện cao cấp được chọn lọc kỹ. Các kỹ sư của Revel phản đối quan niệm bộ phân tần càng đơn giản càng ít can thiệp tới chất lượng âm thanh. Họ cho rằng với các bộ phân tần bậc thấp, đáp tần sẽ bị suy giảm nghiêm trọng ở những khu vực nằm ngoài trục phát âm chính diện của loa. Đặc biệt là kết cấu của bộ phân tần bậc thấp làm cho loa tép và loa trung phải hoạt động ở ngoài những dải tần số được thiết kế riêng cho chúng, phát sinh nhiệt lượng không cần thiết, dẫn tới tăng trở kháng của cuộn dây và gây ra những hệ quả tệ hại khác. Một bộ phân tần bậc cao được thiết kế kỹ lưỡng có thể khắc phục được các yếu điểm trên, đồng thời đảm bảo độ động của loa ngay cả ở mức âm lượng nhỏ. Revel luôn sử dụng bộ phân tần bậc 4 (24 dB/quãng tám), dạng Linkwitz-Rilley, kết hợp với giải pháp thiết kế bobin dây to, mắc song song loa bass và dùng nhiều lỗ thông hơi để giảm nhiệt lượng trong quá trình hoạt động. Hãng Revel còn cẩn thận tách rời các mạch thành phần của bộ phân tần thành từng bo mạch riêng để tránh xuyên nhiễu tín hiệu.
Trước khi lắp đặt loa vào thùng loa, các kỹ sư của Revel cũng dùng tia lazer quét toàn bộ bên trong thùng, sau đó dùng phần mềm giả lập phân tích để kiểm tra sự cộng hưởng của thùng loa xem có đạt yêu cầu không và xác định các vị trí để đặt thiết bị hút âm bên trong thùng. Họ hết sức chú trọng tới việc loại trừ sự cộng hưởng âm không cần thiết trong thùng loa. Về lý thuyết thì khó có thể triệt tiêu hoàn toàn những cộng hưởng ngoại lai không mong muốn đó nên hãng Revel đã đề ra một tiêu chuẩn được coi là tương đối khắt khe: cố gắng hạn chế âm cộng hưởng ngoại lai ở dưới ngưỡng mà con người có thể nghe được.
Revel Concerta M12. Ảnh: Ultimateav.
Các sản phẩm loa Revel trước khi xuất xưởng đều được kiểm tra rất kỹ, cả bằng các phương tiện máy móc lẫn đôi tai của các nhà thẩm âm chuyên nghiệp. Môi trường để kiểm tra gồm cả phòng cách âm chuyên dụng, không có tiếng dội để thực hiện các test đặc biệt và các phòng nghe được thiết kế gần gióng với môi trường nghe bình thường để kiểm tra khả năng thích ứng của loa trong các hoàn cảnh khác nhau.
Đầu tiên, người ta đo đáp tuyến tần số của loa tại trục chính diện (thẳng hướng với loa), rồi tiếp đó đo trong một khoảng không gian lệch ngang 75 độ so với trục chính diện. Theo lý thuyết, âm sắc mà tai người cảm nhận được từ một cặp loa không chỉ được tạo bởi âm thanh phát ra trực tiếp từ cặp loa (nằm trong trục chính diện), mà còn do cả những âm thanh phản hồi từ 2 bức tường bên, từ trần, sàn nhà và bức tường phía sau (có nghĩa là nằm ngoài trục chính diện). Nếu tại những khoảng ngoài trục chính diện mà đáp tần không bị suy giảm so với đáp tần tại trục chính diện thì loa đạt yêu cầu về âm sắc, xét trên góc độ lý thuyết. Tiếp đó, người ta kiểm tra các thông số về độ méo hài tổng cộng (THD), về dải động, về trở kháng trên đáp tần của loa.
Những sản phẩm chất lượng cao. Ảnh: Advancedaudio.
Sau khi các sản phẩm loa vượt qua các lần kiểm tra bằng thiết bị kể trên mới đến công việc của các nhà thẩm âm. Người ta đặt loa trên một hệ thống băng chuyền có thể chuyển dịch qua lại; mỗi một chiếc loa thành phẩm được băng chuyền đưa vào vị trí phát âm. Chỉ trong vòng 3 giây sau khi kết thúc bài test, một chiếc loa khác lại được băng chuyền đưa vào vị trí để so sánh với chiếc vừa mới xong (3 giây là thời gian tối đa để não người lưu lại một cách tương đối đầy đủ cảm nhận về âm thanh của một thiết bị). Tất cả các thiết bị đều được kiểm tra thử và hiệu chỉnh nhiều lần cho tới khi đạt được âm thanh giống với thiết bị tham chiếu và lựa ra từng cặp match - pair (cân nhau) tới từng đề-xi-ben. Tất cả các cuộc kiểm tra đều được thực hiện theo phương pháp blind-test (phương pháp mà người thẩm định không được nhìn thấy thiết bị). Các nhà thẩm âm tham gia test thiết bị đều là những người chuyên nghiệp, được đào tạo kỹ lưỡng, thậm chí có khả năng phân biệt những lỗi nhỏ ở từng dải tần số hẹp.
Với một tham vọng lớn lao, với đội ngũ kỹ thuật hùng hậu và hệ thống tiêu chuẩn tương đối khắt khe, các sản phẩm của Revel cho dù có được bán với giá không "bình dân", vẫn được dân chơi audio ưa chuộng. REVEL đã trình diễn xuất sắc tại Việt Nam và đã được các audiophile thực sự yêu thích.